Sơn PU là gì? Các pha sơn PU cho đồ gỗ và nội thất?
Ngày:15/06/2018 lúc 16:08PM
Ngày xưa, các sản phẩm gỗ thủ công của ông cha ta thường lựa chọn vecni để đánh màu bề mặt, màu đỏ, màu cam...sau đó phủ lớp bóng ngoài cùng. Hiện nay, sơn PU dần thay thế cách làm truyền thống đó bởi những đặc tính ưu việt mà nó mang lại. Trong nội dung bài viết này nội thất xếp gọn Bùi Văn Đạt xin chia sẻ đôi điều về sơn PU để chúng ta có cái nhìn rõ hơn về hệ sơn này.
Sơn PU là gì?
Sơn PU thực ra nó là một tổ hợp loại polyme có nhiều ứng dụng tuyệt vời trong cuộc sống, tiếng Anh tên hơi khó đọc là Polyurethane.
Về PU thì có hai dạng chính trong công nghiệp sơn và vật dụng đó là dạng cứng và dạng Foam. Với dạng cứng được dùng trong sơn phủ bề mặt, đánh bóng bàn ghế và bảo vệ đồ gỗ. Dạng Foam được dùng trong việc tạo ra các sản phẩm mút cho ghế, nệm...
Về thành phần thì PU gồm 3 loại chính là: 1. Sơn lót, là lớp lót làm phẳng mịn các sản phẩm gỗ. 2. Sơn màu: là lớp phẩm màu cho các sản phẩm gỗ. 3. Sơn bóng: là lớp sơn bề mặt cho sản phẩm sau sơn đạt độ bóng và đạt độ cứng nhất định.
Cách pha chế sơn PU
* Với lớp sơn lót: pha tỉ lệ 2 lót + 1 cứng + 3 dung môi (xăng công nghiệp)
* Với lớp sơn màu: 1 cứng + 5 xăng + tinh màu (điều chỉnh lượng màu cho phù hợp)
* Với lớp bóng: tỷ lệ 2 bóng + 1 cứng + 1 xăng (điều chỉnh cho phù hợp thực tế)
Về Quy trình sơn PU
Giai đoạn 1 - Chà nhám và xử lý bề mặt
Bề mặt ván cần được xử lý mịn và thẳng trước khi đưa vào sơn, nhám P240 được dùng cho công đoạn này.
Gỗ tự nhiên hoặc ván tùy theo yêu cầu mà muốn giữ hay không giữ thành phần gỗ ban đầu từ đó quyết định để nguyên cấu tạo gỗ hoặc trét bột che các khe nứt bề mặt.
Giai đoạn 2- Sơn lót
Sau chà nhám trét bột sẽ thực hiện lớp sơn lót, đây là lớp sơn không màu pha theo tỷ lệ 2:1:3 (2 lót 1 cứng và 3 xăng), có thể điều chỉnh theo yêu cầu thực tế trong quá trình sơn có thể kể đến đó là điều kiện thời tiết. Nếu trời nóng, tỉ lệ xăng quá thấp sẽ làm bề mặt bốc hơi nhanh, các kết cấu bên trong sơn chưa kịp cứng nên dễ bị nỗi bọt khí, nứt nẻ.
Giai đoạn 3 - Chà nhám và tiếp tục phun lót
Bước này sẽ yêu cầu xả nhám bằng loại giấy P320 cho bề mặt đảm bảo nhám mịn đủ để lớp sơn bám vào bề mặt. Sau đó phun sơn lót tiếp tục một lần nữa đảm bảo chất lượng sơn tốt nhất cho sản phẩm.
Giai đoạn 4 - Sơn màu bề mặt sản phẩm
Giai đoạn này thợ sơn sẽ thực hiện sơn thô một lượt đảm bảo đều tay không chảy sơn bề mặt, và cũng không thiếu sơn. Nếu thiếu hoặc thừa sơn sẽ làm sản phẩm trong kém đẹp. Tốt nhất lần một và lần hai cho các vị trí thiếu sơn sẽ được sơn dặm và bù.
Giai đoạn 5: Phun bóng bề mặt
Lớp sơn sau khô 1 đến 2 tiếng thì thực hiện công đoạn phủ bóng bề mặt. Lựa chọn loại bóng cho bề mặt: bóng mờ 10%, 20%, 50%, 70% và 100%. Lớp bề mặt này rất quan trọng nó làm sơn mờ hoặc bóng căng theo yêu cầu.